10+ Giải pháp chống nóng mái tôn an toàn và hiệu quả
Nhiều gia đình hiện nay sử dụng lợp mái tôn thay vì mái ngói hay mái đổ bê tông bởi nhiều ưu điểm mà mái tôn mang lại. Tuy nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng lên. Vào cao điểm mùa hè, nhiệt độ cao dẫn dễn không gian bên dưới mái tôn rất nóng bức. Vì vậy, các giải pháp chống nóng mái tôn sẽ rất cần thiết và mang tính cấp bách.
Tại bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những cách làm khác nhau để có được hiệu quả tốt nhất. Đừng bỏ qua bất kì thông tin nào nhé.
Nguyên tắc chống nóng mái tôn hiệu quả
Việt Nam là đất nước có khí hậu nóng ẩm, vào những ngày mùa hè nhiệt độ không khí có thể đến trên 40 độ. Tuy vậy, nhiệt độ của mái tôn đỉnh điểm còn có thể từ 45 – 60 độ C (có thể cao hơn). Với mức nhiệt này sẽ ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của con người, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Các giải pháp chống nóng cho mái tôn phải đảm bảo được các nguyên tắc sau đây:
Hạn chế ánh nắng trực tiếp vào mái tôn
Ánh nắng mặt trời là yếu tố chính tạo ra nguồn sáng và nhiệt lượng. Càng ít ánh nắng chiếu trực tiếp vào mái tôn thì nhiệt lượng sẽ càng giảm. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản nhất trong việc chống nóng. Đơn giản như việc bạn đang đi giữa trời nắng nhưng khi bước vào khu vực có bóng râm sẽ cảm nhận được nhiệt độ thấp và cơ thể cảm thấy sẽ thoải mái hơn nhiều.
Trang bị hoặc nâng cấp các vật liệu dùng để chống nóng
Tôn cũng được xem là một dạng kim loại. Mà kim loại thì có tính dẫn nhiệt. Do đó, nếu muốn hạn chế tính dẫn nhiệt này thì cần trang bị thêm cho mái những vật liệu khác có tính cách nhiệt. Ngày nay, với sự ra đời của công nghệ và nền công nghiệp hiện đại thì người ta đã nghiên cứu ra nhiều loại vật liệu khác nhau để hỗ trợ việc chống nóng mái tôn.
Tăng khả năng thông gió cho công trình
Nguyên tắc này đã được áp dụng từ rất lâu đời. Trước khi có những công cụ hỗ trợ thì việc thông gió tự nhiên cũng đã mang đến một hiệu quả nhất định cho những ngôi nhà lợp mái tôn. Nguyên tắc này không chỉ tác động riêng đến khu vực mái tôn mà còn có ý nghĩa với cả tổng thể của ngôi nhà.
Cách chống nóng cho nhà mái tôn có thể bạn chưa biết
Dựa trên 3 nguyên tắc của việc chống nóng ở trên thì chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về những giải pháp chống nóng mái tôn. Đây là những cách được sử dụng phổ biến nhưng có thể bạn lại chưa biết hoặc nắm rõ về cách làm đâu nhé.
Sơn chống nóng mái tôn
Giải pháp này được lựa chọn bởi giá thành không quá cao mà gia chủ không cần tháo dỡ hay thay thế vật liệu lợp mái. Mái lợp tôn cũng giống như các loại mái nhà khác là phải chịu tác động trực tiếp của mưa, nắng. Tuy nhiên qua thời gian dài thì mái tôn sẽ xuống cấp và bị rỉ sét.
Với sơn cách nhiệt được dùng sơn lên mái tôn sẽ có những tác động:
– Bảo vệ, ngăn cách tôn tiếp xúc trực tiếp với nắng, mưa từ đó tăng độ bền.
– Làm giảm nhiệt độ không gian bên dưới mái tôn. Các loại sơn trên thị trường khi sơn lên mái tôn được quảng cáo có thể làm giảm nhiệt độ xuống khoảng 5 – 7 thậm chí là 10 độ C so với những mái nhà bình thường không sử dụng sơn chống nóng.
– Có tính thẩm mĩ cao, thi công đơn giản.
Một số lưu ý khi sử dụng là cần làm sạch bề mặt tôn trước khi tiến hành sơn. Bạn nên sơn 2 lớp: lớp đầu tiên là lớp chống gỉ, lớp thứ 2 là sơn cách nhiệt. Nếu bạn lo ngại về độ cao hoặc diện tích mái tôn quá rộng thì nên thuê các đơn vị chuyên nghiệp để xử lý. Thị trường cung cấp các dịch vụ rất chuyên nghiệp vừa đảm bảo an toàn lại chất lượng.
Giá thuê dịch vụ thi công trọn gói sẽ khoảng 70.000 đ/m2. Nhưng nếu bạn có thiết bị và mua sơn về tự làm thì giá sơn trên thị trường khoảng 700.000 đồng cho 1 thùng 5 lít. Mỗi thùng sơn 5 lít sẽ phủ được diện tích khoảng 40m2 nếu chỉ sơn 1 lớp.
Làm trần nhựa, trần thạch cao chống nóng
Mục đích của cách làm này là ngăn chặn khí nóng bên dưới mái tôn di chuyển xuống không gian sinh hoạt bên dưới. Giải pháp này rất được ưa chuộng bởi tính thẩm mĩ cao mà hiệu quả chống nóng cho mái tôn lại khá tốt. Tuy nhiên giá thành hoàn thiện thì cũng không hề rẻ.
Trần thạch cao có hai loại là trần nổi và trần chìm. Cả hai loại đều có thể tùy biến các đường nét trang trí. Giá hoàn thiện của trần thạch cao tùy theo diện tích và độ cầu kì. Những mẫu trần đơn giản nhất cũng có già từ 150.000 đ/m2.
Trần nhựa sẽ có giá hoàn thiện thấp hơn so với trần thạch cao. Kiểu trần này cũng có 2 loại là trần có xốp hoặc không có xốp. Loại có xốp thì đắt hơn từ 30.000 – 50.000 đ/m2 những bù lại hiệu quả cách nhiệt và cách âm lại tốt hơn. Thi công trần nhựa có xốp hoàn thiện khoảng 140.000 đ/m2 tùy vào độ dày của xốp.
Tuy giá không chênh lệch nhiều và tính thẩm mỹ của trần nhựa thấp hơn trần thạch cao nhưng trần nhựa vẫn được sử dụng khá nhiều. Lý do là bởi trần nhựa có thể sửa chữa và thay thế dễ dàng hơn trần làm bằng thạch cao.
Sử dụng tấm lợp cách nhiệt mái tôn
Có thể hiểu đây là một vật liệu cách nhiệt chống nóng mái tôn có tên là PE OPP hoặc tấm xốp tráng bạc cách nhiệt. Độ dày của tấm lợp khá đa dạng từ 5 – 30mm. Ngoài ra nó còn có thể được tráng bạc ở một hoặc cả hai mặt. Sử dụng giải pháp này mang đến nhiều lợi ích không nhỏ:
– Chống nóng hiệu quả do có thể giảm được nhiệt độ xuống từ 7 – 16 độ C.
– Tiết kiệm chi phí cho thiết bị làm mát: quạt, điều hòa…
– Tăng khả năng cách âm và chống ồn
– Tăng cường độ sáng trong không gian nhờ khả năng phản chiếu ánh sáng của lớp tráng bạc.
– Giá thành rẻ, bền lâu theo thời gian và ít bị hao mòn.
– Lắp đặt nhanh chóng và đơn giản
– Có thể tái sử dụng nếu dùng loại có độ dày từ 20mm trở lên.
Dùng bông cách nhiệt để chống nóng mái tôn
Loại bông được sử dụng ở đây là bông thủy tinh. Vật liệu cách nhiệt này ngoài hiệu quả chống nóng còn mang đến khả năng cách âm khá tốt. Bông thủy tinh được dùng nhiều trong các công trình lớn như: nhà cao tầng, nhà xưởng sản xuất, khu công nghiệp…
– Xét về ưu điểm:
+ Cách nhiệt tốt, giảm nhiệt lượng đến 30% và giảm được cả tiếng ồn từ bên ngoài lọt vào không gian.
+ Lắp đặt và thi công dễ dàng do trọng lượng nhẹ, có thể cắt theo hình dáng mong muốn. Bông thủy tinh được sản xuất thành phẩm có độ dày khoảng 25 – 50mm và ở dạng cuộn hoặc hạng tấm.
+ Có độ mềm và không góc cạnh nhọn nên không gây nguy hiểm trong quá trình lắp đặt và sử dụng.
+ Không bị ăn mòn, có tính trơ về mặt hóa học, không sản sinh ra nấm mộc hoặc vi khuẩn
– Nhược điểm
+ Bông thủy sinh được làm từ những sợi nhỏ thủy tinh. Vì thế, trong quá trình thi công, cắt xét thì những phần bụi có thể bay vào không khí và dính vào da, mắt gây vô tình gây ra khó chịu, ngứa ngáy.
+ Hạn sử dụng của bông thủy tinh cách nhiệt thường ko lớn hơn 10 năm. Khi hết hạn thì sẽ có thể bị phân hủy và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường. Sau một thời gian sử dụng, bạn cần thường xuyên kiểm tra và thay thế lớp bông này khi cần.
Thi công tôn cách nhiệt chống nóng
Tôn cách nhiệt hay tôn mát chính là sự kết hợp của các loại tôn lạnh và vật liệu cách nhiệt cùng lớp lót giấy bạc ở mặt dưới cùng. Người ta cũng quen gọi loại tôn này là tôn 3 lớp. Sử dụng tôn cách nhiệt vừa tăng tính thẩm mỹ trong nhà lại tăng hiệu quả cách nhiệt và chống nóng cho mái nhà.
Đây là một giải pháp tối ưu, mang tính lâu dài và được tính toán chi tiết từ khi thiết kế và xây dựng công trình. Với chi phí đầu tư 1 lần, hiệu quả sẽ được thể hiện trong suốt thời gian sử dụng của mái tôn. Khi sử dụng tôn cách nhiệt thì bạn sẽ không phải sử dụng thêm biện pháp chống nóng nào khác bổ sung.
Cũng có thể nói, giải pháp này chính là sự kết hợp của cả tấm lợp chống nóng và bông thủy tinh nên giữ được những ưu điểm và hạn chế những khuyết điểm, hạn chế của chúng. Tuy nhiên giá thành thì cũng không hề rẻ. Giá tấm tôn cách nhiệt 3 lớp từ 170.000 đ/m2. Cộng thêm phụ kiện và công thợ thì hoàn thiện có thể lên một con số không nhỏ đâu nhé.
Phun nước hạ nhiệt mái tôn giờ cao điểm
Đây là một trong những giải pháp đơn giản và được áp dụng nhiều. Nguyên lý hoạt động là dùng nước để phun vào không khí để làm lạnh, hạ nhiệt của mái tôn vào những giờ đỉnh điểm của nắng nóng. Nước được phun ra dưới dạng tia nước hoặc hơi sương.
Cách làm này có thể làm mát nhanh nhưng tốn khá nhiều chi phí. Đầu tiên là chi phí lắp đặt hệ thống, máy bơm nước, máy phun sương… Tiếp đến là chi phí cho tiền điện, tiền nước. Ngoài ra nếu mái nhà bị thấm dột thì khi phun nước có thể làm hư hại các món đồ nội thất trong nhà.
Cách chống nóng mái tôn này áp dụng cho những gia đình có điều kiện hoặc sử dụng nguồn nước giếng khoan có sẵn. Cùng với đó bạn cũng phải thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống để tránh hỏng hóc vào những lúc cao điểm nắng nóng lại không có biện pháp hạ nhiệt kịp thời.
Sử dụng quả cầu thông gió, ống thông gió
Thông gió tự nhiên là cách làm dựa trên sự đối lưu không khí. Khí nóng trong nhà sẽ được hút ra ngoài và thay thế vào đó là không khí mát hơn. Các ống thông gió hoặc quả cầu thông gió là thiết bị cơ khí công nghiệp thường được làm bằng inox.
Giải pháp này hoàn toàn không sử dụng đến điện năng, thân thiện với môi trường và ít phải bảo hành. Ngoài ra chúng thiết kế cũng rất gọn nhẹ, kỹ thuật đơn giản, lưu thông không khí ngay cả khi có ít gió. Cách chống nóng này được xem là đơn giản và tiết kiệm chi phí.
Ngoài những ưu điểm thì cách làm này cũng có nhiều khuyết điểm. Đó là:
– Những khu vực bị che khuất hoặc lắp đặt ít quả cầu, ống thông gió thì hiệu quả đạt được không cao.
– Dễ bị thấm dột khi gặp trời mưa, gió bão lớn.
– Khiến ngôi nhà bị nhiều bụi bẩn hơn
– Quả cầu thông gió còn dễ bị kẹt nếu như có rác, lá cây hoặc cành cây mắc vào.
Làm lưới chống nóng mái tôn
Lưới che là vặt liệu được làm từ nhựa HDPE cao cấp giúp giảm khả năng hấp thụ nhiệt ở mái tôn. Cùng với đó, nó cũng có giá thành khá rẻ chịu được nắng mưa và gió mạnh mà độ bền có thể lên đến trên 5 năm.
Nguyên lý làm việc của lưới che nắng là cản sáng từ 50 – 80% giúp hạn chế nắng chiếu trực tiếp vào mái tôn. Từ đó hạn chế tăng nhiệt và giảm đi sự oi bức cho không gian bên dưới. Không chỉ che nắng nó còn cản được hạt mưa, giảm được tiếng ồn lên mái tôn rất hiệu quả. Tuy nhiên loại vật liệu này thường dùng cho các diện tích mái vừa và nhỏ như: nhà kho, nhà xưởng, mái tôn nhà ở…
Nhiều người có thể lo ngại về yếu tố thẩm mỹ của loại lưới chống nóng này. Bạn có thể tham khảo thêm một bài viết phân tích chi tiết của chúng tôi tại đường dẫn: https://nhadepktv.vn/tu-van-xay-dung/luoi-chong-nong-mai-ton.html
Chống nóng mái tôn bằng cách trồng cây trên mái
Không gian xanh trong cuộc sống hiện nay chắc chắn không còn quá xa lạ. Đây là một giải pháp tự nhiên và thân thiện để có thể chống nóng mà lại rất an toàn và hiệu quả. Bạn có thể sử dụng các thùng xốp nhỏ để trồng thêm rau xanh cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình hàng ngày hoặc làm giàn để đưa những cây dây leo bò lên mái.
Chống nóng mái tôn theo cách này cần chú ý:
– Trường hợp độ dốc mái tôn quá lớn sẽ ảnh hưởng và gây trở ngại cho việc trồng và chăm sóc cây.
– Trồng cây trong bồn, chậu, thùng xốp… ở trên mái nếu ko chú ý cẩn thận vô tình lại làm tăng sức nặng lên mái và không an toàn trong mùa mưa bão.
– Quá trình chăm sóc cây ban đầu gặp nhiều khó khăn
– Làm giàn nên để cách mái tôn khoảng 20cm để cây dây leo bò lên không bị nhiệt lượng từ mái tôn làm héo úa hoặc chết ngọn.
– Khó thực hiện ở những khu vực cao tầng, địa hình hiểm trở.
Sử dụng các thiết bị điện để hạ nhiệt trong phòng
Phương án cuối cùng chúng tôi giới thiệu là cách đơn giản nhất mà bất kì ai cũng có thể nghĩ ra được. Các thiết bị điện có thể kể đến bao gồm: quạt thông gió, điều hòa, quạt hơi nước… Mục đích của các thiết bị này là cung cấp hơi mát, giảm hơi nóng dẫn đến hạ nhiệt trong phòng.
Khi sử dụng, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh được mức nhiệt để đem lại sự dễ chịu cho bản thân. Tuy nhiên về bản chất thì các thiết bị điện này chỉ làm mát cục bộ trong một không gian hẹp. Các thiết bị điện sẽ tiêu tốn của gia đình bạn một khoản chi phí không hề nhỏ. Vì thế để đạt được hiệu quả tối ưu nhất thì bạn nên kết hợp thêm các giải pháp chống nóng khác nhé.
Tổng kết về chống nóng mái tôn
Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc hơn 10 cách để có thể chống nóng mái tôn một cách an toàn và hiệu quả. Bạn có thể nghiên cứu hiện trạng công trình và cân đối chi phí để chọn ra giải pháp thi công phù hợp.
Ngoài những thông tin chia sẻ tại bài viết này, chúng tôi còn tổng hợp rất nhiều thông tin hữu ích khác về kiến trúc, xây dựng, nội thất. Bạn có thể tìm đến các chuyên mục và tham khảo thêm. Chúc bạn may mắn và thành công.